Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn dịch vụ tài chính và dịch vụ ngân hàng trong tương lai năm 2021, với chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số” do Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức trực tuyến ngày 7/10, tại Hà Nội.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động khá tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Song không thể phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.
 
Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.
 
Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh và vận hành tác nghiệp.
 
Nếu như cách đây 2-3 năm, các NHTM tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận khái niệm công nghệ thì ngày nay cuộc đua về ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam.
 
Các ứng dụng ngân hàng di động đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính.
 
Hoạt động ngân hàng không tiếp xúc cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ trực tuyến (online) của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu bảo đảm an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng, nhất là trong giai đoạn các địa phương giãn cách xã hội.
 
Có cùng quan điểm, IDG Việt Nam đánh giá, ngành ngân hàng đã đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng song cũng đang còn các điểm nghẽn đáng lưu ý.
 
Thứ nhất là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới ở mức đang dần hoàn thiện. Thứ hai, cơ chế hợp tác cũng như chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cũng chưa rõ ràng.
 
Ngoài ra, tỉ lệ giao dịch tiền mặt còn cao. Một số hệ sinh thái công nghệ tài chính chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng. Ngoài ra, đòi hỏi về chi phí ban đầu lớn và nguồn lực nhân sự chất lượng cao việc thực thi chuyển đổi số ở chính các ngân hàng cũng không phải bài toán dễ giải và thay đổi trong một sớm một chiều.
 
Ông Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Nhưng việc thực thi chuyển đổi số tại các ngân hàng đang ở nhiều mức khác nhau, đòi hỏi quy trình, kiến trúc và cách vận hành linh hoạt của các doanh nghiệp (DN), bởi một số DN vẫn coi đây là dự án về công nghệ nhiều hơn kinh doanh.
 
Bình luận về bối cảnh hiện nay, bà Winnie Wong – Giám đốc Quốc gia Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ, tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số. Đại dịch gây ra nhiều thiệt hại nhưng dưới góc độ khác, cũng đã đẩy nhanh bước tiến vào thế giới số với lối sống và tư duy “ưu tiên kỹ thuật số” của người tiêu dùng. “Tuy vậy, sẽ vẫn cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng với thanh toán không dùng tiền mặt”, đại diện Mastercard nói.
 
Ngoài ra, bên cạnh ngân hàng, trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính, ngành kinh doanh chứng khoán năm qua có ghi nhận nhiều nỗ lực chuyển đổi số, ra đời hoặc nâng cấp, cải tiến nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho DN và cho nhà đầu tư. Đối với lĩnh vực bảo hiểm, trong 5 năm qua, riêng thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ 25-30%. Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm.
 
Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp.
 
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị cũng đã giới thiệu mô hình và kinh nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm kiểu mới, những sản phẩm, dịch vụ dự kiến sẽ trở nên phổ biến trên thị trường dịch vụ tài chính quốc tế và ở Việt Nam trong những năm tới.